Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường THPT Số 2 Tư Nghĩa.

Học sinh

Học sinh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả đức lẫn tài. Đức là đạo đức cách mạng, nó cũng là cái gốc rất quan trọng, nếu không có đức thì tài cũng vô dụng. Để cái gốc đạo đức bền vững thì việc giáo dục đạo đức trong nhà trường phải thường xuyên được quan tâm. Công tác giáo dục đạo đức được tiến hành tốt sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.


      Trong những năm gần đây do tác động nhiều mặt của đời sống xã hội và sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức, lối sống của nhiều học sinh theo chiều hướng xấu như: trộm cắp, rượu chè, cờ bạc, đánh nhau, vi phạm an toàn giao thông, hút chích, chơi game bỏ bê học hành . . . Sự giảm sút về đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay đang là nỗi bức xúc, trăn trở của toàn xã hội nhất là nền giáo dục, trường THPT số 2 Tư Nghĩa không đứng ngoài thực trạng này. Để nâng cao chất lượng toàn diện cho học sinh ở trường việc giáo dục đạo đức cho học sinh là vô cùng quan trọng.

Thực trạng đạo đức của học sinh ở trường THPT số 2 Tư Nghĩa

      Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, đời sống nhân dân trong tỉnh nói chung và cánh Tây huyện Tư Nghĩa nói riêng đã từng bước được nâng lên, nhân cách con người cũng biến đổi, số đông học sinh của trường thích nghi được những điều kiện mới có hoài bão, lý tưởng, cố gắng học tập, lao động đạt kết quả tốt. Số lượng học sinh giỏi cấp trường, cấp tỉnh hàng năm tăng lên, việc ý thức tu dưỡng đạo đức có bước chuyển biến đáng kể, tăng đạo đức khá, tốt và giảm đạo đức yếu, kém. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận học sinh chưa có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách, còn vi phạm nội quy của nhà trường như: trốn tiết, bỏ học, quay cóp, gian lận trong thi cử, thiếu quyết tâm vươn lên trong học tập, vô kỷ luật, đua đòi, ăn chơi dẫn đến nhiều hành vi như trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, đánh nhau, vi phạm luật an toàn giao thông, nghiện games…mơ hồ truyền thống dân tộc, mờ nhạt về lý tưởng, thiếu ý chí lập thân, lập nghiệp.

        Việc học sinh vi phạm đạo đức do nhiều nguyên nhân:

      Khu vực phía Tây huyện Tư Nghĩa là khu vực bị tàn phá nặng bởi bom đạn trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sau hòa bình nhân dân bắt tay xây dựng lại quê hương, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế thiếu thốn, chỉ lo cái ăn, cái mặc, ít quan tâm đến lĩnh vực văn hóa giáo dục, nhiều gia đình quá khó khăn phải đi làm ăn xa, gửi con cho người thân chăm sóc, nên sự quan tâm của bậc Cha Mẹ không thường xuyên dẫn đến con cái sa sút về đạo đức.

        Đại bộ phận giáo viên của trường là giáo viên trẻ, mới ra trường. Mặc dù có nhiệt tình năng nổ công tác nhưng biện pháp và hiệu quả giáo dục chưa cao. Phần lớn giáo viên ở xa không phải là người địa phương đến giảng dạy chưa nắm bắt được hết tâm tư tình cảm của nhân dân và học sinh…, còn nặng nề về cung cấp tri thức mà chưa coi trọng đúng mức việc hình thành nhân cách, thái độ, hành vi, đạo đức cho học sinh qua việc giáo dục đạo đức ở các bộ môn giảng dạy.

          Một số giáo viên chủ nhiệm còn lúng túng trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, tiết sinh hoạt chủ nhiệm thường tập trung ở các hoạt động duy trì nề nếp, trách phạt và thông báo những công việc của nhà trường, chưa kinh nghiệm trong việc giáo dục học sinh sai phạm, còn nặng nề khiển trách mà không tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, chưa đi sâu tìm hiểu tâm lý, nắm bắt tình hình để kịp thời uốn nắn giáo dục, còn nặng chê, nhẹ khen, việc phối hợp với gia đình học sinh để tác động giáo dục học sinh đặc biệt là học sinh chưa ngoan còn nhiều hạn chế.

         Công tác quản lý của nhà trường nhiều lúc chưa chặt chẽ, bản thân học sinh không có ý thức rèn luyện, tác động nhiều mặt tiêu cực của đời sống xã hội, ảnh hưởng không nhỏ của công nghệ thông tin như điện thoại di động, games, internet…

         Trách nhiệm của nhà trường về việc giáo dục đạo đức cho học sinh:

         Vai trò nhiệm vụ giáo dục học sinh là trách nhiệm chung của các thành viên trong nhà trường chứ không phải của riêng ai. đội ngũ thầy, cô giáo luôn có ý thức phấn đấu về chuyên môn nghiệp vụ, về phẩm chất đạo đức, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

        Đa số giáo viên nhiệt tình, năng động theo dõi sát sao quá trình rèn luyện các mặt hoạt động của học sinh, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để cùng kịp thời uốn nắn những hành vi sai trái trong học tập cũng như trong đạo đức hoặc động viên, giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn…

       Nhà trường đã phối kết hợp tốt với phụ huynh học sinh nên phần lớn phụ huynh học sinh rất quan tâm chăm lo đến quá trình học tập, rèn luyện hạnh kiểm của con em, luôn ủng hộ quan điểm giáo dục toàn diện của nhà trường, sẵn sàng hợp tác với giáo viên chủ nhiệm theo dõi giáo dục con em.

       Đội ngũ thầy cô giáo trong nhà trường đoàn kết, thân ái, tâm huyết với nghề, hết lòng yêu nghề mến trẻ, cùng nhau thực hiện các chủ trương biện pháp của cấp trên về sự nghiệp đổi mới giáo dục, góp công sức cho sự phát triển của nhà trường.

       Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường THPT số 2 Tư Nghĩa tuy có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ thầy cô giáo, cha mẹ học sinh, tuy nhiên vẫn còn một số bộ phận nhỏ hiểu chưa đầy đủ về ý nghĩa của việc giáo dục đạo đức cho học sinh, còn coi nhẹ hoặc chưa có những giải pháp tích cực hiệu quả, vẫn còn bộ phận nhỏ phụ huynh học sinh xem nhẹ việc giáo dục con cái, không quan tâm việc phối hợp giữa gia đình với nhà trường, dẫn đến học sinh vi phạm đạo đức, thậm chí có em vi phạm pháp luật.

         Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh và kết quả đạt được

        Nhà trường đã đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội và các đoàn thể trong việc giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thường xuyên tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ của từng cá  nhân, tập thể trong công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức cho học sinh, nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh là trách nhiệm của tất cả các lực lượng giáo dục trong nhà trường, các thành viên nhà trường phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục và rèn luyện đạo đức học sinh, việc phối hợp các lực lượng  giáo dục đạo đức cho học sinh được tiến hành một cách đồng  bộ, chặt chẽ và có hiệu quả. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” đã quán triệt trong toàn bộ Hội đồng nhà trường cùng hiểu được: việc giáo dục đạo đức cho học sinh không chỉ một tuần, một tháng là đạt kết quả mà là cả một quá trình lâu dài có khi là suốt đời, giáo viên bộ môn phải tham gia nhận xét xếp loại đạo đức cho học sinh lớp mình dạy, có trách nhiệm uốn nắn, động viên, giúp đỡ học sinh trong các giờ dạy, đồng thời phải liên hệ chặt chẽ với giáo viên chủ nghiệm để gặp gỡ trao đổi trực tiếp, hoặc ghi nhận xét cụ thể tiết học vào sổ đầu bài, giáo viên bộ môn cũng phải phối hợp với Đoàn thanh niên, gia đình học sinh để theo dõi giáo dục học sinh.

       Nhà trường đã có những biện pháp phối hợp tốt với các đoàn thể trong trường nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh bằng nhiều hoạt động tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, chấp hành luật an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh qua các buổi ngoại khoá, tạo nên "sân chơi" lành mạnh trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp như: Hội khỏe phù đổng, văn nghệ, trại đoàn v.v…đã thực hiện cuộc vận động “xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, các chương trình và tài liệu về giáo dục đạo đức cũng đươc chủ động tích hợp trong các môn học, tiết học, qua đó giúp cho học sinh có thể hòa nhập, có ý thức tổ chức rèn luyện đạo đức, lối sống, kỹ năng sinh hoạt, lao động sản xuất, giao tiếp tập thể để phát triển nhân cách một cách toàn diện.

        Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trong thời gian qua ở trường THPT số 2 Tư Nghĩa thực sự đã có những chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều học sinh hướng vào sinh hoạt tập thể, ổn định tư tưởng, đi vào nề nếp, đại đa số học sinh có nhận thức tốt về vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh chưa nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, do đó còn thờ ơ xem thường kỷ cương nền nếp của nhà trường dẫn tới vi phạm nội quy, quy chế  học tập, các thành viên trong  nhà trường đã có nhận thức khá cao về vai trò trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, đã tích cực thực hiện các biện pháp nhằm giáo dục học sinh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tuy nhiên, các hoạt động chung của nhà trường như duy trì nề nếp, điều tra xử lý học sinh vi phạm …vẫn còn hạn chế, lúng túng ở một số giáo viên chủ nhiệm lớp non trẻ, cần phải có hoạt động đa dạng hơn theo chủ đề vào tiết sinh hoạt lớp để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh, công tác phối kết hợp giữa các bộ phận trong nhà trường, cũng như công tác phối hợp giữa nhà trường gia đình và xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh còn hạn chế, chưa kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu giáo dục đạo đức trong giai đoạn hiện nay.  Vì vậy mỗi CB-GV          cần phải có ý thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, noi theo tấm gương sáng về tinh thần vượt khó tự học, tự rèn, lối sống gương mẫu, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, nhân cách của người thầy, tạo được niềm tin trong học sinh và là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, từ đó hết lòng vì học sinh thân yêu. 

Tác giả bài viết: Phạm Thị Ba Lan - PHT

Nguồn tin: tunghia2.com