NGVN
Cách nay 30 năm, ngày 28 tháng 9 năm 1982 Hội đồng Bộ trưởng-nay là Chính phủ-ban hành Quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm làm NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM.
Với quyết định này, Đảng và Nhà nước khẳng định vai trò, vị trí và công lao của ngành Giáo dục nói chung, nhà giáo nói riêng đối với sự nghiệp Bảo vệ và Xây dựng đất nước. Từ đó, các nghị quyết chuyên đề hoặc có một phần nội dung về giáo dục-Đào tạo ra đời như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá IX, Chiến lược phát triển Giáo dục-Đào tạo 2001-2010, Chiến lược phát triển Giáo dục-Đào tạo 2010-2020 và gần đây nhất tại Hội nghị 6 của BCH TW khoá XI họp từ ngày 01/10/2012 đến ngày 15/10/2012, Trung ương Đảng đã giành thời gian bàn về việc đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục-Đào tạo để qua đó nền Giáo dục-Đào tạo nước nhà được vực dậy, tiến lên, thu hẹp dần sự tụt hậu với thế giới.
Đánh giá về những thành quả đạt được sau 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, tại Tổng kết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “ Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, trong điều kiện đất nước đang còn nhiều khó khăn, nguồn lực có hạn, với sự cố găng, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là của đội ngũ nhà giáo, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta đã thu được nhiều kết quả, thành tựu rất có ý nghĩa trong việc thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài”. Ngành Giáo dục-Đào tạo vui mừng vì những cống hiến của mình đối với đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó, chúng ta-những nhà giáo đang thực hiện nhiệm vụ trồng người-cũng còn lắm trăn trở, băn khoăn vì những yếu kém đã được chỉ ra: “Đến nay giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất cho phát triển; thậm chí còn không ít hạn chế, yếu kém, nhất là về chất lượng giáo dục và đào tạo.” Đây là một thực trạng hết sức đau buồn của mỗi một nhà giáo chúng ta.
Sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá đất nước do Đảng lãnh đạo đề ra mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành một nước công nghiệp đòi hỏi nước ta cần phải: “ Đẩy mạnh toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.”
Để mục tiêu này thành hiện thực, Tổng bí thư yêu cầu: “ Phải đổi mới từ nhận thức tư duy, mục tiêu đào tạo, hệ thống tổ chức, loại hình giáo dục và đào tạo, nội dung và phương pháp dạy và học đến cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, xây dựng đội ngũ giáo viên... Đây là những vấn đề hết sức lớn lao, hệ trọng và phức tạp… Trước mắt, cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII, Kết luận Hội nghị Trung ương 6 khoá IX và các kết luận , nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo triển khai thực hiện thật tốt Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo từ nay cho đến năm 2020 theo kết luận của Hội nghị lần này”
Là những người làm giáo dục ở cơ sở, ta thực sự nhận thức rõ ràng và sâu sắt điều đó. Và mỗi người trong chúng ta lại tự hỏi: “ Ta phải làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục?”Hỏi chính là đã trả lời!
Thực vậy, Bên cạnh việc Nhà nước tiến hành đổi mới giáo dục bắt đầu từ năm 2002 qua việc xác lập mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất cho nhà trường…thì mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên không ngừng phấn đấu cải tiến công tác quản lý, cải tiến phương pháp giảng dạy kết hợp với cải tiến học tập, cải tiến lề lối làm việc, tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ, giáo dục kỷ năng sống, thực hiện việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “hai không”, cuộc vận động “Mõi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và đặc biệt là thi đua xây dựng “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong công việc hằng ngày…Tất cả những điều đó chỉ vì một mong muốn duy nhất là nâng cao chất lượng học tập ở học sinh, để sau này các em trở thành người lao động có chất lượng cao đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
Ths Phạm Kim Thành Hiệu trưởng trường THPT số 2 Tư Nghĩa * Những chữ in nghiêng trong bài viết được trích từ Bài phát biểu Tổng kết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.