LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NGÃI CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC Số: 80/CĐN Về việc điều chỉnh gợi ý trả lời Bộ câu hỏi thi tìm hiểu 85 năm Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Quảng Ngãi | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 6 năm 2014 |
Kính gửi: Công đoàn các đơn vị trực thuộc.
Để phục vụ cho công tác tổ chức Cuộc thi tìm hiểu "Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Quảng Ngãi- 85 năm xây dựng và phát triển”, ngày 09 tháng 6 năm 2014, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục tỉnh đã Công văn Số: 74 /CĐN, cung cấp gợi ý trả lời bộ câu hỏi thi viết để công đoàn cơ sở tham khảo, tổ chức triển khai cuộc thi tại đơn vị.
Đến ngày 16 tháng 6 năm 2014, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh gửi Công văn Số: 173/LĐLĐ, phát hành gợi ý trả lời Cuộc thi tìm hiểu "Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Quảng Ngãi- 85 năm xây dựng và phát triển” (gửi kèm). Đối chiếu với phần gợi ý ở Công văn Số: 74 /CĐN,
ở câu số 4: Đại hội XII Công đoàn Quảng Ngãi diễn ra vào ngày, tháng, năm nào? tại đâu? Đại hội thông qua những chỉ tiêu chủ yếu gì? được Liên đoàn Lao động tỉnh gợi ý đầy đủ hơn. Vì vậy, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục tỉnh Đề nghị các CĐCS vận dụng Đáp án này (Chú ý câu số 4) để phục vụ cho Cuộc thi ở cấp mình. Nếu có gì vướng mắc cần giải đáp liên hệ trực tiếp Thường trực CĐGD tỉnh số điện thoại 0553824163 để được hướng dẫn.
Nơi nhận: - Như kính gửi; - Lưu VP. | TM. BAN THƯỜNG VỤ CHỦ TỊCH (Đã ký) Trần Thị Thu Hằng |
BỘ CÂU HỎI VÀ GỢI Ý TRẢ LỜI
CUỘC THI TÌM HIỂU CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM, CÔNG ĐOÀN
QUẢNG NGÃI- 85 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Câu 1: Anh (Chị) hãy trình bày sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam và ý nghĩa của sự kiện này ?Gợi ý trả lời:Dưới tác động của cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần thứ I (1897-1914), giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển nhanh chóng trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II (1918-1930). Do bị cả thực dân và phong kiến bóc lột hà khắc, giai cấp công nhân Việt Nam đã vùng lên đấu tranh mạnh mẽ. Từ trong đấu tranh đã hình thành tính giai cấp và những người công nhân tập hợp lại thành tổ chức như các hội: Aí hữu, Tương tế, Phường hội, Nghiệp đoàn, Công hội..... Đây chính là những tổ chức công đoàn sơ khai đầu tiên và có ở nhiều nơi.
Sau đó tổ chức Công hội Ba Son do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập năm 1920 tại xưởng Ba Son đã có ảnh hưởng lớn trong khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn. Song, Công hội này tồn tại trong thời gian ngắn và chưa có chính cương, điều lệ.
Từ năm 1925 đến năm 1928, nhiều Công hội bí mật đã hình thành do sự hoạt động mạnh mẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đặc biệt từ năm 1928, khi kỳ bộ Bắc kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ trương thực hiện “Vô sản hoá” thì phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam ngày càng sôi nổi, thúc đẩy sự phát triển của tổ chức công hội lên một bước mới cả về hình thức và nội dung hoạt động.
Năm 1929 là thời điểm phong trào công nhân và hoạt động công hội ở nước ta phát triển sôi nổi nhất, đặc biệt là ở miền Bắc. Các cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra liên tục ở nhiều xí nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động giữa các cuộc đấu tranh ở xí nghiệp này với xí nghiệp khác trong cùng một địa phương và giữa địa phương này với địa phương khác trong toàn xứ.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và tổ chức công hội đòi hỏi phải có một tổ chức Mác xít, một Đảng thực sự Cách mạng của giai cấp công nhân có khả năng tập hợp, lãnh đạo công nhân đấu tranh giành độc lập tự do. Tháng 3/1929, chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà Nội. Tiếp đến, ngày 17/6/1929, Đông Dương cộng sản Đảng ra đời.
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội đỏ, Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng quyết định triệu tập đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón- Hà Nội. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ.
Sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ miền Bắc Việt Nam là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể Cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.
Chính vì ý nghĩa đó, theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ chính trị TW Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Câu 2: Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đã xác định phương hướng, nhiệm vụ. Anh (Chị) tâm đắc với nhiệm vụ nào? Vì sao? Gợi ý trả lời Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI xác định 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
Một là, chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Hai là, tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên và người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, chủ trương công tác công đoàn.
Ba là, tổ chức phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bốn là, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng hiệu quả của đội ngũ cán bộ công đoàn.
Năm là, công tác nữ công.
Sáu là, công tác đối ngoại.
Bảy là, công tác kiểm tra và hoạt động của Uỷ ban kiểm tra.
Tám là, công tác tài chính và hoạt động kinh tế công đoàn.
Các thí sinh cần phân tích rõ tâm đắc với nhiệm vụ nào trên quan điểm cá nhân. Câu 3: Anh (Chị) quan tâm nhất là chức năng nào của tổ chức Công đoàn Việt Nam? Vì sao? Gợi ý trả lời * Công đoàn Việt Nam có ba chức năng:
- Đại diện và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động;
- Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động;
- Giáo dục, động viên, công nhân, viên chức, lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chức năng của Công đoàn là một chính thể, một hệ thống đồng bộ, đan xen tương tác lẫn nhau. Trong đó, chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động mang ý nghĩa trung tâm- mục tiêu hoạt động công đoàn. Từ các chức năng này sẽ định ra các nhiệm vụ cụ thể của Công đoàn.
Câu 4. Đại hội XII Công đoàn Quảng Ngãi diễn ra vào ngày, tháng, năm nào? tại đâu? Đại hội thông qua những chỉ tiêu chủ yếu gì?Gợi ý trả lờiĐại hội Công đoàn tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XII, nhiệm kỳ 2013 – 2018 được tổ chức trọng thể từ ngày 25- 27/3/2013 tại thành phố Quảng Ngãi với 242 đại biểu chính thức đại diện cho 52.865 đoàn viên/68.896 CNVCLĐ trong toàn tỉnh về dự.
Đại hội đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2013 – 2018 là:
- Về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS: trong nhiệm kỳ, phấn đấu kết nạp từ 12.000 đoàn viên, thành lập 80 Công đoàn cơ sở trở lên;
- Xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh đạt từ 80% trở lên;
- Bồi dưỡng, giáo dục để mỗi năm giới thiệu từ 900- 1.000 đoàn viên Công đoàn ưu tú cho các cấp ủy Đảng xem xét, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Hàng năm, có 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đại hội công nhân viên chức; trên 60% doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị người lao động; trên 60% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết hoặc bổ sung Thỏa ước lao động tập thể;
- 100% cán bộ Công đoàn được đào tạo và bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác Công đoàn; triển khai Luật Công đoàn (sửa đổi), Bộ luật Lao động (sửa đổi) đến 100% cán bộ Công đoàn các cấp;
- Phấn đấu có từ 90- 95% đoàn viên Công đoàn, từ 60- 70% công nhân lao động tham gia các lớp tuyên truyền, giáo dục do Công đoàn tổ chức;
- Vận động 100 đoàn viên, CNVCLĐ đóng góp xây dựng Quỹ “Mái ấm Công đoàn Quảng Ngãi”. Trong nhiệm kỳ hỗ trợ xây mới ít nhất 50 nhà và sửa chữa 100 nhà ở “Mái ấm Công đoàn” cho CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở;
- Hàng năm, trên 90% gia đình CNVCLĐ đạt gia đình văn hóa, trên 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Câu 5. Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh khóa XII đã xây dựng kế hoạch nào để thực hiện các Chương trình của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI. Theo Anh (Chị) kế hoạch nào có tính khả thi cao khi thực hiện? tại sao?Gợi ý trả lời- Kế hoạch số 25/KH-LĐLĐ, ngày 08 tháng 11 năm 2013 về việc Thực hiện Chương trình nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động.
- Kế hoạch số 26/KH-LĐLĐ, ngày 05 tháng 12 năm 2013 về việc Thực hiện Chương trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thoả ước lao động tập thể”.
- Kế hoạch số 28/KH-LĐLĐ, ngày 05 tháng 12 năm 2013 về việc Thực hiện chương trình số 1643/CTr-TLĐ ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về “ Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018 ”
- Kế hoạch số 29/KH-LĐLĐ, ngày 05 tháng 12 năm 2013 về việc Thực hiện chương trình số 1644/CTr-TLĐ ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn
”Các thí sinh cần phân tích rõ tính khả thi của Kế hoạch mình tâm đắc trên quan điểm cá nhân, có liên hệ với địa phương, đơn vị mình công tác.Câu 6: Theo Anh ( chị ) cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của mình cần tập trung thực hiện những công việc gì để góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước? Vì sao?Gợi ý trả lời:- Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng lao động với người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
- Tuyên truyền sâu rộng,chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết,chủ trương công tác công đoàn; giáo dục truyền thống cách mạng tốt đẹp của giai cấp công nhân Việt Nam, nêu cao tinh thần làm chủ đất nước trong quá trình CNH, HĐH.
- Tham gia thanh tra giám sát chế độ, chính sách thực hiện lương, thưởng, ăn ca, BHXH, BHYT.... của người sử dụng lao động đối với NLĐ.
- Tham gia xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh trong CNLĐ.
- Tích cực quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn, CNLĐ; tổ chức ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thường xuyên cho CNLĐ.
- Quan tâm chăm lo đến đời sống, cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, đặc biệt là những CNLĐ có nhiều khó khăn, CNLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.......
- Chủ động, tham gia tuyên truyền về chế độ, chính sách pháp luật cho người lao động; góp phần giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân, người lao động như: việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; xây dựng nhà ở, bệnh xá tại các khu công nghiệp, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ nơi có đông công nhân, người lao động làm việc; chăm lo công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài cho Đảng xem xét, kết nạp.
Câu 7. Anh ( Chị) hãy viết một bài khoảng 1.500 từ cống hiến, đề xuất mô hình, đổi mới phương pháp hoạt động Công đoàn trong giai đoạn hiện nay hoặc những kỷ niệm sâu sắc hay những tấm gương tiêu biểu trong phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn.